Mặc dù tiếp tục có màn trình diễn chói sáng trong màu áo Quỷ đỏ ờ mùa giải vừa qua nhưng phong độ tệ hại tại World Cup 2018 khiến De Gea không có tên trong bản danh sách rút gọn của FIFA ở hạng mục thủ môn xuất sắc nhất năm. Trong trận đấu với tuyển Anh rạng sáng nay, mặc dù nhận được nhiều lời khen nhưng De Gea vẫn không thể giữ sạch lưới khi bị Rashford đánh bại ngay phút 11. Theo thống kê, đây đã là bàn thua thứ 11 mà thủ thành người Tây Ban nha đã phải nhận sau 12 lần đối mặt với các pha dứt điểm của đối thủ. Rõ ràng với 1 thủ môn, đây là một con số thật sự rất đáng báo động. De Gea dường như có 2 bộ mặt trái ngược ở cấp độ CLB và ĐTQG. Nhà báo uy tín của The Guardian – Jonathan Wilson đã chỉ ra lý do tạo nên sự khác biệt này.

De Gea ở Man Utd và De Gea trong màu áo TBN là 2 bộ mặt khác biệt.
Tuyến phòng thủ
Man Utd chơi với hàng phòng ngự lùi sâu với nhiều lớp thi đấu rất gần để có thể dễ dàng bọc lót, hỗ trợ cho nhau. Chính vì vậy khoảng không gian nguy hiểm trước khung thành của De Gea không nhiều. Trái ngược với Tây Ban Nha, đội bóng xứ sở Bò tót thi đấu với một hàng phòng ngự dâng cao để giữ khoảng cách với các tuyến khi tấn công, đồng thời tìm lại cách đoạt bóng ngay bên phần sân của đối thủ.
Điểm chung của Barcelona và Tây Ban Nha là hàng thủ của họ luôn dâng cao, để lộ khoảng trống mênh mông sau lưng hậu vệ. Chính vì vậy khi để đối phương có cơ hội uy hiếp khung thành thường đó là một cơ hội hết sức rõ rệt. De Gea trong màu áo La Roja làm việc ít hơn nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ kịp thời mỗi khi có tình huống nguy hiểm. Tóm lại không dễ để chơi trong một đội hình có hàng phòng ngự dâng cao. Điển hình là Victor Valdes chưa bao giờ được đánh giá cao nhưng lại là chốt chặng đáng tin cậy trong thời kỳ vàng son của Barcelona.

De Gea bị thủng lưới trong trận đấu với tuyển Anh.
Con người và lối chơi
Sự khác biệt giữa hai chiến thuật ở Man Utd và Tây Ban Nha khiến De Gea lúng túng khi tìm cách điều chỉnh để thích nghi. Từ Van Gaal đến Mourinho, De Gea vẫn giữ thói quen chơi bóng dài, một phần từ yêu cầu của HLV. Thế nhưng khi trở về ĐTQG, anh lại là một trạm trung chuyển với triết lý triển khai bóng từ dưới lên của Tây Ban Nha. Tỷ lệ chuyền bóng chính xách của De Gea cũng không mấy ấn tượng khi mùa trước chỉ đạt 57,5% (so với Ederson là 85,3%).
Có thể thấy sự tương phản rõ rệt về triết lý, con người và cách vận hành chiến thuật của Man Utd và đội tuyển Tây Ban Nha. Khó có thể trách De Gea bởi anh có quá ít thời gian để hòa nhập với La Roja khi giành phần lớn mùa giải ăn tập tại Manchester.
Nguồn: tinthethao.com.vn